Giun đất còn có tên địa long, giun khoang, trùn hổ… Theo Đông y, giun đất vị mặn, tính hàn; vào các kinh: vị, can, tỳ, thận. Có tác dụng thanh nhiệt bình can trấn kinh, thông mạch khu phong trừ thấp lợi thủy. Dùng cho trường hợp sốt cao kinh giật, động kinh, bồn chồn kích động, ho suyễn khó thở, bại liệt phong thấp, viêm đường tiết niệu và sốt rét cơn. Dùng: 6 – 12g/ngày, dưới dạng nấu hầm, sao rang, sắc, pha hãm.
Bài thuốc trị bệnh có vị địa long
Bài 1: địa long 12g. Sắc uống. Có thể lấy địa long nghiền thành bột, ngày uống 2 lần, mỗi lần 4g. Dùng cho các chứng bệnh ho, hen suyễn, trẻ em ho gà… do hỏa nhiệt.
Bài 2: địa long, cam thảo sống, liều lượng bằng nhau. Nghiền thành bột mịn. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 6g. Trị hen phế quản.
Bài 3: địa long khô 8g, xuyên ô đầu 8g, thảo ô đầu 8g, thiên nam tinh 8g, nhũ hương 6g, một dược 6g. Tất cả nghiền thành bột, phun rượu sau đó làm hồ hoàn. Mỗi lần uống 4g, uống với nước sắc kinh giới hay nước sắc thang tứ vật (thục địa 20g, đương quy 12g, bạch thược 12g, xuyên khung 6g). Dùng cho chứng bệnh thấp nhiệt gây sưng nóng đỏ đau khớp, đi tiểu vàng mà ít. Tác dụng hoạt lạc, giảm đau.
Bài 4: địa long 12g, liên kiều 12g, câu đằng 16g, kim ngân hoa 16g, bọ cạp 4g. Sắc uống. Hoặc lấy địa long 12g, chu sa 4g, làm thành hoàn. Mỗi ngày uống 4g. Tác dụng thanh nhiệt, cắt cơn kinh giật, tốt cho người sốt cao co giật.
Bài 5: địa long đỏ, củ tỏi, lá khoai lang, liều lượng bằng nhau. Giã nát, đắp lên rốn. Có thể uống kèm với các thuốc lợi niệu. Tác dụng: lợi niệu thông lâm. Dùng khi thấp nhiệt làm cho tiểu tiện không lợi, hoặc bí đái do kết sỏi.
Bài 6: địa long 12g, vỏ rễ xoan 12g, hậu phác nam 12g, gừng 8g, trần bì 8g, dây thần thông 8g. Tất cả phơi khô, tán bột, làm hoàn. Uống 2 lần trong ngày. Chữa sốt rét.
Bài 7: Rượu địa long: địa long chế 40g, rượu 600C 100ml cùng đem ngâm trong 3 ngày, dùng vải xô lọc thành rượu địa long 400C. Mỗi lần uống 10ml. Ngày 3 lần, dùng cho các trường hợp kinh giật, sốt rét cơn, phong thấp.
BS Nguyễn Thị Thúy Nga