Trước khi điều trị ung thư vú, nhiều phụ nữ thường lo lắng vì đối mặt nguy cơ mất đi đôi gò bồng đảo nhưng các phương pháp tạo hình vòng 1 mới đã phần nào giúp chị em tự tin hơn
Phát hiện sớm và các phương pháp điều trị mới đã làm giảm tỉ lệ tử vong của người bị ung thư vú. Tuy nhiên, với căn bệnh quái ác này, không ít chị em đã phải cắt bỏ đi một phần hoặc toàn bộ vòng 1. Sự cố ấy không chỉ mang lại nỗi sợ hãi và khủng hoảng tâm lý nghiêm trọng của người bệnh mà còn là nguyên nhân dẫn đến không ít trục trặc trong cuộc sống gia đình. Vì thế, tái tạo vòng 1 cho người ung thư vú được nhiều chị em kỳ vọng.
Khổ sở vì “một mất, một còn”
Theo PGS-TS Vũ Quang Vinh, Phó Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật tạo hình và thẩm mỹ Viện Bỏng Quốc gia, trong hơn 40 trường hợp được phẫu thuật tạo hình ngực do ung thư vú, phần lớn chịu nhiều mặc cảm, bị chồng hắt hủi. Không ít người bị rối loạn tâm lý trầm trọng khi vừa thoát khỏi lưỡi hái tử thần thì lại bị chồng trốn tránh gần gũi chỉ vì khoảng trống ở “trái đào”. Có chị phải ly hôn hoặc sống ly thân. “Việc tái tạo vú đã giải tỏa được tâm lý căng thẳng cho chị em, giúp họ tự tin bước vào quá trình điều trị ung thư cũng như quay lại cuộc sống bình thường” – TS Vinh nói.
PGS-TS Trần Thiết Sơn, Trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Xanh Pôn – Hà Nội, cho biết tạo hình lại vòng 1 không phải bắt buộc cho tất cả phụ nữ đã cắt bỏ vú do ung thư. Rất nhiều người vẫn có thể sống hạnh phúc suốt đời với một bên vú không bình thường, chẳng cần đến phẫu thuật tạo hình.
Nhóm người này thường là lớn tuổi, ít nhu cầu về đời sống tình dục hay không có đòi hỏi cao trong vấn đề giao tiếp xã hội. Tuy nhiên, cũng có nhiều phụ nữ không phẫu thuật một phần vì thiếu hiểu biết, phần khác thiếu thông tin cần thiết. Thậm chí, nhiều thầy thuốc cũng không biết và khuyên chị em “chung sống” suốt đời với tình cảnh “một mất, một còn”.
Tạo hình như thật
Có 2 kiểu tạo hình vú sau ung thư: Không phẫu thuật và phẫu thuật. Với loại không phẫu thuật, bệnh nhân chỉ cần đeo vú giả bằng silicone cũng có thể tạo được sự cân đối của bộ ngực khi mặc áo. Đây là phương pháp đơn giản, dễ được nhiều người chấp nhận và rất hiệu quả với những người không muốn chịu thêm một vài lần phẫu thuật. Tuy nhiên, phương pháp này không phải là tối ưu với người trẻ hoặc những nữ vận động viên bơi lội.
Với phương pháp phẫu thuật tạo hình, các phẫu thuật viên sẽ sử dụng chính một phần cơ thể của bệnh nhân để tạo ra hình dạng bầu vú mới. Vật liệu được sử dụng chính là vạt tổ chức lấy từ lưng chuyển ra trước ngực. Phương pháp này thích hợp với người trẻ và không béo. Ngoài ra, một cách được sử dụng phổ biến hơn là dùng vạt da ở bụng. Phần lớn phụ nữ lớn tuổi đều có bụng dưới to và đủ mỡ để tạo ngực mới. Vạt tổ chức lấy từ bụng dưới gọi là vạt da cơ thẳng bụng, được chuyển lên trên ngực và cuộn lại theo hình vú. Nhược điểm chính của cách này là nguy cơ “sổ” bụng khá lớn sau khi một phần thành bụng được dùng vào việc tạo hình vú.
Theo TS Vinh, với những trường hợp tạo hình ngực gần đây, Viện Bỏng Quốc gia vẫn lấy mỡ vùng bụng nhưng không bắt chị em “hy sinh” cơ thẳng mà sử dụng nhánh xuyên rất nhỏ tiến hành nối mạch tạo thành một bầu vú giống bên còn lại. “Cách này thực hiện cùng lúc “một công đôi việc”, đó là vừa thu gọn vòng bụng cho chị em vừa tạo hình được phần cơ thể đã mất. Sau khoảng 3 tháng, bệnh nhân sẽ được tái tạo núm vú, quầng vú với màu sắc giống như thật. Dĩ nhiên, việc phẫu thuật tạo hình này chỉ bảo đảm thẩm mỹ chứ hoàn toàn không có chức năng bài tiết sữa hay cảm giác như bên còn lại” – TS Vinh giải thích.
Hiện nay, nhu cầu tái tạo ngực cũng như một phần cơ thể sau tai nạn hoặc do các nguyên nhân bệnh lý mà bệnh nhân phải cắt bỏ là rất lớn. Nếu có sự phối hợp tốt giữa các chuyên khoa ung thư và tạo hình, nhiều chị em có nguyện vọng tạo hình ngực sau ung thư có thể sẽ được bác sĩ giữ lại vạt da và núm vú của bầu ngực cũ. Không chỉ đẹp trở lại, họ còn thoát khỏi những triệu chứng trầm uất, đau buồn. Tuy nhiên, do phối hợp và thông tin chưa tốt nên nhiều phụ nữ dù rất có nhu cầu như không biết phương pháp này.
Vì vậy, theo TS Sơn, ở một số nước phát triển, việc giải thích và hướng dẫn cho tất cả bệnh nhân về tạo hình vú trước khi điều trị ung thư là bắt buộc đối với các nhân viên y tế.
Theo NLD